Tại xã An Bình, những năm qua luôn xảy ra nhiều điểm sạt lở, gây thiệt hại cho người dân hàng tỉ đồng. Do ngân sách đầu tư của tỉnh, huyện, xã chỉ tập trung vào các công trình xung yếu nên chính quyền nơi đây đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ để phòng chống thiên tai như vận động nhân dân tự be bờ gia cố lại những tuyến đê bao có nguy cơ bị sạt lở để bảo vệ vườn cây ăn trái và ao nuôi cá.
Ông Lê Văn Bé Chính, người dân ấp An Hòa, xã An Bình cho biết:“Mấy năm qua, năm nào cũng vậy tới mùa mưa là vườn nhà tôi bị sạt lở, không ít thì nhiều vì ở đây nhà nước chưa có kinh phí đầu tư nên tôi phải tự giác mua cừ tràm, dừa về gia cố bờ đê để bảo vệ vườn của mình cho ổn định”. Ông Nguyễn Thanh Liêm, người dân ấp An Thuận, xã An Bình nói thêm: “Dân chúng tôi ở đây nuôi cá, làm vườn nhưng cũng thấp thỏm lo sạt lở, có khi ngủ đêm sáng ngày lại là tiền tỉ mất đi vì lở đất. Chính vì thế ở đây chúng tôi ai cũng có ý thức tự gia cố đê bao của mình. Không những thế khi xã có hỗ trợ cừ tràm, dừa để gia cố đoạn đê bao nào là nhân dân trong xóm chúng tôi cũng cùng nhau tham gia làm tất cả anh em đây rất nhiệt tình”.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra do triều cường dâng cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ và chính quyền các xã Cù Lao đã tiến hành khảo sát những tuyến đê bao, bờ vùng để có kế hoạch gia cố kịp thời. Một điều đáng ghi nhận là hầu hết các hộ dân đều sẵn sàng tham gia nhiệt tình cùng với chính quyền gia cố các đoạn đê bao, ngoài ra người dân còn hiến đất, cây ăn trái để Nhà nước gia cố đê bao, bờ vùng bằng phương tiện cơ giới.
Bốn xã cù lao của huyện Long Hồ có diện tích hơn 6.000ha đất trồng cây ăn trái, trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp công tác phòng chống thiên tai, sạt lở hơn lúc nào hết cần phải có sự chung sức, chung lòng giữa chính quyền và nhân dân, có như thế mới hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Phước Giang